Giáo dục lịch sử địa phương - khơi dậy tình yêu quê hương đất nước
Sáng ngày 14/11/2024, trường Tiểu học Ngọc Lâm đã tổ chức buổi tham quan di tích lịch sử địa phương cho các em học sinh khối 3 tại đình chùa Lệ Mật và di tích đền thờ Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Đại diện Ban giám hiệu, giáo viên của nhà trường và hơn 200 các em học sinh khối 3 đã tham dự. Các em được tìm hiểu, khám phá về những cụm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận Long Biên.
Điểm đến đầu tiên của cô và trò nhà trường trong buổi học ngoại khóa là đình Lệ Mật, nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Đình là nơi thờ vị thành hoàng làng, người đã dạy dân Lệ Mật nghề bắt rắn. Nơi đây chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo, là biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người dân Lệ Mật.
Đình Lệ Mật – Di tích lịch sử – văn hoá Hà Nội
Cụm Di tích lịch sử văn hóa Đình Lệ Mật - gắn với câu chuyện thật trong lịch sử về vị Phúc thần - ông Hoàng Quý Công, người có công trong việc đưa dân Lệ Mật đi khai phá và phát triển khu vực phía Đông của Kinh thành Thăng Long.
Để tưởng nhớ vị công thần, nhân dân Lệ Mật và các trại lập đền thờ và tôn vinh thành Thành Hoàng, thờ trong Đình Lệ Mật. Hàng năm, vào ngày chính hội 23/3 Âm lịch, nhân dân thuộc 13 làng trại đều đem lễ vật, rước kiệu về đình Lệ Mật, làm Hội tế lễ Đình và tham gia Lễ hội Lệ Mật rất trọng thể, trang nghiêm.
Đình Lệ Mật không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn có giá trị kiến trúc cổ độc đáo, nghệ thuật với những bức chạm khắc tinh tế, sinh động. Qua nhiều lần tôn tạo, tu sửa, kiến trúc của Đình hiện vẫn gìn giữ được nét cổ và dấu ấn kiến trúc triều Nguyễn.
Đình Lệ Mật được xếp hạng Di tích cấp quốc gia ngày 22/3/1988. Còn Chùa Lệ Mật có tên chữ là “Cổ Giao Tự".
Cụm di tích Đình - Chùa Lệ Mật hiện được đầu tư trùng tu, tôn tạo, nâng cấp. Các di tích này cùng với Miếu Cô, Giếng làng, cây đa cổ thụ tạo nên một quần thể di tích, danh thắng hấp dẫn, là điểm nhấn cho hoạt du lịch làng Lệ Mật cũng như hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong khu vực.
Tạm biệt khu di tích đình làng Lệ Mật, thầy và trò trường Tiểu học Ngọc Lâm đến thăm đền Trấn Vũ. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quân Long Biên. Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn. Cũng theo sự tích thì Thần Trấn Vũ đã thu phục yêu Rắn và yêu Rùa. Vì thế hình tượng Trấn Vũ có kèm hình Rắn quấn trên thanh kiếm Thất Tinh chống trên lưng Rùa. theo một số nhà nghiên cứu thì Rắn Và Rùa thuộc loài vẩy ráp, chủ về nguồn nước. Trấn Vũ diệt yêu Rắn, yêu Rùa được coi là biểu tượng thần chống lụt. Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên Vũ có nhiệm trấn giữ phương Bắc và biểu tượng cho mùa đông. Thần Huyền Thiên Vũ được thờ ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội có Trấn Vũ quán ở Quán Thánh.
Cô giáo và các em học sinh dâng hương tại đền
Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt tu sửa vào thế kỉ 17,18 và 20 và đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu tượng rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kĩ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền, đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau. Tượng cao3.8m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu để trần, mặc áo long bào đen có đai và hai bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm thắt tinh trong tay phải, mũi gươm chống lên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng. Ngoài ra, tại thượng cung còn có tượng 12 nguyên soái. Đó là các thiên tướng theo ngài đi trừ yêu quái. Các pho tượng được tạo bằng đất. Mỗi pho có vẻ mặt khác nhau như mặt ngựa, mặt chim. Ngoài cùng là 2 pho tượng đá. Hiện nay, đền Trấn Vũ còn thờ ghép cả Thánh Linh Lang đại Vương.
Các em học sinh vào tham quan Pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền vẫn được bảo tồn, tôn tạo và luôn là điểm sáng về tâm linh của cộng đồng dân cư quanh vùng và của du khách thập phương.
Điểm đặc biệt nữa mà không phải ai cũng biết là khi đến thăm đền Trấn Vũ, ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co luồn dây qua lỗ cột. Đây là trò chơi hiếm thấy ở nơi khác. Nghi lễ “kéo co ngồi” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, và được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cùng với Campuchia, Hàn Quốc, Philippines.
Cô Nguyễn Thị Bích Huyền – Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới các bác trong
Ban quản lí di tích 2 ngôi đình
Đến với đền, thầy trò được các cụ trong ban di tích hướng dẫn tìm hiểu rất chi tiết về khu di tích. Tạm biệt ngôi đền cổ để về trường, bạn nào bạn ấy vẫn còn rất luyến tiếc. Chắc chắn, chuyên thăm quan Lịch sử địa phương này sẽ giúp các bạn thu hoạch thêm nhiều kiển thức và ngày càng thêm yêu quê hương Long Biên. Chúng mình cùng chờ đón những “bài thu hoạch” của các bạn nhỏ trường Tiểu học Ngọc Lâm sau chuyến đi bổ ích này nhé!