Trường Tiểu học Ngọc Lâm tổ chức tập huấn phòng, chống bắt cóc và xâm hại tình dục trẻ em cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Có thể nói trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là mối lo ngại, trăn trở của ngành giáo dục, cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Xâm hại trẻ em ở Việt Nam diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn có ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và xảy ra với các em học sinh mọi độ tuổi. Xâm hại trẻ em diễn ra với nhiều hình thức, nhiều mức độ, xuất phát do nhiều nguyên nhân. Nếu các em bị xâm hại sẽ tổn thương đến tâm sinh lí. Rất có thể các em là những đứa trẻ hoàn toàn khác như thụ động, đờ đẫn, lo sợ, tự kỉ. Đó là điều không ai trong chúng ta mong muốn. Vì vậy để bảo vệ trẻ em không bị bắt cóc, xâm hại là một trong những vấn đề cần thiết trong xã hội hiện nay. Nó không phải là việc làm chỉ dành riêng cho những người làm công tác giáo dục hay của những người làm công tác xã hội mà đó là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Chính vì vậy, thực hiện Công văn số 4559/SGD&ĐT - CNTT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trường Tiểu học Ngọc Lâm cùng với Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em đã tổ chức các lớp tập huấn Phòng chống bắt cóc và bị xâm hại Trẻ em cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường trong ngày 2/11/2018 và phổ biến tới phụ huynh học sinh toàn trường vào sáng ngày 04/11/2018.
Các đồng chí trong Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên nhà trường, học sinh nhà trường được tập huấn về các nội dung:
- Kỹ năng phòng chống bắt cóc và xâm hại tình dục
- Kỹ năng phòng chống lừa đảo, dụ dỗ qua mạng internet
- Kỹ năng phòng chống lừa đảo, lôi kéo sử dụng ma túy
- Kỹ năng thoát hiểm trong tình huống đặc biệt.
Qua buổi tập huấn, các thầy cô giáo và các em không chỉ nhận được kiến thức mà còn được thực hành các cách phòng tránh bị xâm hại rất bổ ích, ngoài ra còn có thể tuyên truyền cho người thân, bạn bè một số kiến thức, kĩ năng cơ bản sau:
1. Hiểu về giới tính và các vùng nhạy cảm
2. Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm
3. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
4. Tránh xa người lạ mặt
5. Không cho người lạ mặt vào nhà
6. Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác
Khi thực hiện tuyên truyền cho học sinh, Trung tâm đã chia HS theo khối lớp. Với mỗi lứa tuổi, các cán bộ của Trung tâm đã tuyên truyền và cung cấp một số biện pháp thoát nạn và giúp các em học sinh nhận diện những nguy hiểm tiềm tàng xung quanh các em. Nội dung tuyên truyền xoay quanh các vấn đề: Hướng dẫn nhận biết các hành vi được coi là quấy rối, xâm hại tình dục; Hướng dẫn phòng tránh một số thủ đoạn bắt cóc; Thực hành các động tác phòng vệ chống quấy rối, xâm hại, bắt cóc; Làm khảo sát về kiến thức đã học; Trả lời thắc mắc câu hỏi học sinh. Học sinh TH Ngọc Lâm vô cùng hứng thú với các bài thực hành và rất cởi mở chia sẻ những hiểu biết của mình khi được mời trao đổi.
Đặc biệt hơn cả là chương trình tuyên truyền tới cha mẹ học sinh. Các nội dung được tuyên truyền bao gồm: Ngăn ngừa nguy cơ XHTD sớm ở trẻ; Dấu hiệu nhận biết trẻ bị XHTD; Phương pháp xử lý khi phát hiện trẻ bị XHTD để không làm tổn thương trẻ; Sơ cấp cứu cho người bị đuối nước, ngạt khói, điện giật. Sau khi chương trình kết thúc, nhà trường nhận được rất nhiều các phản hồi tích cực từ CMHS. CMHS đều khẳng định: Chương trình rất ý nghĩa; Chương trình đã cung cấp nhiều kiến thức cần thiết cho phụ huynh và các phụ huynh đều mong muốn con em mình sẽ được học các kỹ năng , các động tác phòng vệ ở các trường hợp cụ thể.
Phải khẳng định việc tổ chức hoạt động tuyên truyền của với Trung tâm phòng chống tai nạn thương tích trẻ em - Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã và đang thực hiện tại các trường học là một hoạt động bổ ích và cần thiết. Buổi chia sẻ đã thực sự thu hút các em học sinh cũng như đông đảo các bậc phụ huynh, các thầy cô tham gia. Hy vọng sau chương trình tuyên truyền sẽ cung cấp thêm kiến thức cũng như kỹ năng toàn diện hơn cho CMHS, cho các em trong cách tự bảo vệ chính mình.Từ đó, giúp các em tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lý trong cuộc sống hàng ngày.