Cô giáo Phạm Thị Minh Khánh – Tấm gương giáo viên “Dân vận khéo”
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, những điều Bác chỉ dạy luôn là kim chỉ nam để chúng ta học tập. Ngày 15/10/1949 Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Đây là tác phẩm có nội dung, ý nghĩa rất to lớn và đóng vai trò quan trọng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. “Dân vận” luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của các cơ quan, đơn vị, địa phương... Ý thức được vai trò quan trọng này, Ban giám hiệu trường Tiểu học Ngọc Lâm rất quan tâm tới công tác “dân vận”. Trong những năm qua, có rất nhiều tấm gương dân vận khéo đã đóng góp cho thành tích của nhà trường. Một trong những tấm gương đó là cô giáo Phạm Thị Minh Khánh – Tổ trưởng chuyên môn Tổ 1.
Cô giáo Phạm Thị Minh Khánh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống sư phạm – mẹ cô cũng là một giáo viên tiểu học. Ngay từ tuổi học trò, cô đã mơ ước được làm một giáo viên đứng trên bục giảng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô quyết tâm thi vào sư phạm để theo đuổi ước mơ của mình. Những năm ngồi trên giảng đường, cô luôn miệt mài học tập và rèn luyện, chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất vì cô ý thức được tầm quan trọng của công việc mình sẽ làm trong tương lai - nghề giáo - “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, năm 1994 cô Khánh về công tác tại trường Tiểu học Ngọc Thụy. Từ tháng 6 năm 2003 cô chuyển về làm việc tại trường Tiểu học Ngọc Lâm - ngôi trường mà mẹ cô đang giảng dạy. Với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, gần 30 năm qua, cô Khánh đã dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, dành cả tuổi trẻ để nâng bước học sinh trưởng thành và xây dựng nên bao ước mơ.
Cô Khánh về trường Tiểu học Ngọc Lâm công tác từ những năm cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn. Nhưng với với lòng say mê nghề nghiệp, với tình thương yêu dành cho học sinh, cô đã cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệt huyết và sự tận tâm của cô được thể hiện rõ trong từng giờ lên lớp. Nhìn cách cô cầm tay uốn từng nét chữ cho học sinh, nhìn nụ cười trìu mến của cô khi trò chuyện với học trò tôi mới hiểu vì sao cô lại được biết bao thế hệ học sinh và phụ huynh yêu quí. Dưới sự dìu dắt của cô, đã có rất nhiều học sinh xuất sắc, học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi viết chữ đẹp cấp quận, cấp thành phố.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự yêu mến của học trò,… cô luôn hoàn thành xuất sắc công việc mà nhà trường giao cho. Cô đã đạt được nhiều thành tích trong công tác như:
- Sáng kiến kinh nghiệm loại C cấp Thành phố năm 1997.
- Lao động giỏi cấp huyện năm học 1996-1997.
- Giáo viên viết chữ đẹp cấp thành phố năm học 1999-2000
- Giải Xuất sắc Kỳ thi viết chữ đẹp cấp quận năm học 2003-2004.
- Giáo viên giỏi cấp quận năm học 2003-2004; 2011-2012; 2014-2015, trong đó năm học 2011-2012 cô đạt giải Nhì.
- Đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2011–2012, 2014-2015
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lời Bác dạy đã trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên của trường Tiểu học Ngọc Lâm trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Với cương vị là Tổ trưởng chuyên môn tổ 1 và cũng là một đảng viên, cô Phạm Thị Minh Khánh luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua "Dân vận khéo".
Cô Khánh chia sẻ: "Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, chưa bao giờ tôi thấy hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Được truyền thụ kiến thức, thấy các em tiến bộ, đó là niềm vui lớn nhất của tôi". Quả thật, cô luôn hết lòng thương yêu, gần gũi và ứng xử thân thiện với học sinh. Học sinh lớp 1 mới từ mẫu giáo lên, môi trường học tập thay đổi một cách cơ bản, cần kiềm chế dần tính hiếu động, bột phát để chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, chấp hành nội quy học tập, cần rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay để cầm phấn, cầm bút... Nắm rõ điều đó nên với cương vị là một giáo viên chủ nhiệm, cô luôn vận dụng rất nhiều hình thức động viên, khen thưởng học sinh kịp thời để khích lệ các em cố gắng trong học tập và rèn luyện đạo đức. Lớp cô chủ nhiệm luôn có kết quả học tập cao, các phong trào và nề nếp rất tốt.
Không chỉ vậy, cô Khánh luôn dành thời gian lắng nghe, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý của các học trò; từ đó có hướng tư vấn phù hợp với phụ huynh, giúp các em giải quyết những vấn đề khúc mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy mà phụ huynh rất tin tưởng, phối hợp với cô trong việc giáo dục con ở nhà và đặc biệt nhiệt tình với các hoạt động của các con ở trường.
Trong đợt thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, tiết mục “Múa dân gian” của học sinh lớp 1A2 do cô Khánh chủ nhiệm đã giành giải xuất sắc được chọn biểu diễn trong lễ mít tinh kỉ niệm Ngày 20-11.Để có được những thành tích đó phải kể đến công rất lớn của các bậc phụ huynh đã vào cuộc, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm trong việc tập luyện cho các con, chuẩn bị trang phục biểu diễn, đạo cụ…
Cô Khánh cũng thường xuyên giáo dục học sinh tính tiết kiệm, bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi. Trong đợt thu gom kế hoạch nhỏ đợt I năm học 2022-2023, lớp cô thu gom được 327 kg giấy vụn, xếp thứ Nhất khối 1, xếp thứ Ba toàn trường, trong đó học sinh Trần Nam Khánh thu gom được 95 kg. Chị Đỗ Thu Trà, phụ huynh của bạn Nam Khánh cho biết : “Gia đình và tập thể phụ huynh trong lớp rất ủng hộ các phong trào của nhà trường. Việc thu gom giấy vụn cũng là cách để con thực hành tiết kiệm, giữ lại những giấy tờ và sách báo cũ vừa bảo vệ môi trường lại có thể tái chế, có tác dụng giáo dục rất lớn với các con”.
Nhằm giúp các con lưu lại những bài vẽ đẹp, những bài viết tốt và những thành tích khác qua đó giúp các con thêm tự tin và có động lực phấn đấu, cô Khánh đã cùng phụ huynh xây dựng “Góc sáng tạo”. Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của các em khi thành quả của mình được trưng bày chắc chắn cô và bố mẹ cũng như được vui lây. Từ “Góc sáng tạo” của lớp 1A2, phụ huynh các lớp cũng triển khai thực hiện, nhân rộng niềm vui tới mỗi học sinh, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Có thể nói, với lòng tận tâm trong sự nghiệp trồng người, sự khéo léo trong công tác “dân vận” cô giáo Phạm Thị Minh Khánh đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục quận Long Biên nói chung và trường Tiểu học Ngọc Lâm nói riêng. Cô thật xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong ngành và là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh học tập và noi theo.