HÃY CÙNG NHAU TIẾT KIỆM ĐIỆN – TIẾT KIỆM NƯỚC
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, hạn chế phát sinh rác thải sinh hoạt hàng ngày (đặc biệt là chất thải nhựa), trồng cây xanh… những thói quen tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nếu mọi người thường xuyên duy trì sẽ góp phần tích cực để giúp môi trường xung quanh chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Những việc làm nhỏ ấy cũng có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như đóng góp thêm cho tăng trưởng bền vững của Quốc gia. Với mong muốn góp một phần nhỏ nhằm hạn chế các vấn đề về thiếu điện, thiếu nước và giảm bớt gắng nặng chất thải nhựa cho môi trường, trường Tiểu học Ngọc Lâm gửi đến quý thầy cô giáo, quý phụ huynh cùng các em học sinh một số nội dung tuyên truyền:
Theo thông tin dự báo, thời tiết năm nay sẽ còn có diễn biến phức tạp, nắng nóng có xu hướng tăng cao bất thường, tình trạng nắng nóng diễn ra trên diện rộng, kéo dài liên tục ở mức 39-40 độ C dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao làm tăng nguy cơ quá tải, sự cố mất điện, thậm chí khả năng cháy nổ, gây mất an toàn và nguy hiểm đến tính mạng con người. Vậy chúng ta cần làm gì để tiết kiệm điện?
- Để tiết kiệm điện, hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên nhiều hơn vì ánh sáng mặt trời tự nhiên sẽ tạo ra một môi trường học tập, làm việc thoải mái hơn so với ánh sáng của bóng đèn điện giúp tập trung, tỉnh táo và cải thiện hơn tâm trạng người học.
-Trong các phòng, không nên để quạt chạy ở tốc độ quá cao, như vậy sẽ rất tốn điện. Bật quạt chạy ở chế độ vừa phải. Bên cạnh sử dụng quạt trần, ta có thể mở thêm các cửa sổ để đón gió tự nhiên.
-Tắt đèn và các thiết bị điện khi không thật sự cần thiết.
- Không để các thiết bị điện ở trạng thái chờ vì điều đó vẫn làm tiêu hao năng lượng điện. Chính vì thế, khi không có nhu cầu sử dụng nên tắt nguồn các thiết bị điện để có thể giảm bớt việc sử dụng năng lượng.
2. Tiết kiệm nước
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, là nguồn sống thiết yếu của con người và đông đảo những loài sinh vật trên Trái đất, có vai trò trung gian trong tất cả các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể con người. Theo như Tổ chức y tế thế giới thì 80% các bệnh nguy hiểm con người mắc phải gây ra bởi nguồn nước nhiễm bẩn. Nên chúng ta phải sử dụng nước sạch để phòng được các bệnh như: tiêu chảy, các bệnh về mắt, các bệnh về da, viêm gan,.... Vì vậy chúng ta cần bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch theo các cách sau:
- Giảm sử dụng hóa chất: Sử dụng hóa chất xung quanh nhà, khu vườn nhà bạn và đảm bảo vứt bỏ chúng đúng cách – đừng đổ chúng xuống đất.
- Xử lý rác thải: Vứt bỏ rác đúng cách các chất độc hại tiềm tàng như: Hóa chất không sử dụng, dược phẩm, dầu động cơ và các chất độc hại khác.
- Tiết kiệm nước: Sử dụng nguồn nước hợp lý và tiết kiệm là cách đơn giản nhất để bảo vệ nguồn nước.
- Sửa vết rò rỉ: Kiểm tra tất cả các vòi nước, đồ đạc chứa nước, nhà vệ sinh trong nhà của bạn để xem rò rỉ và khắc phục ngay lập tức.
- Tái chế: Tái sử dụng những gì bạn có thể như: Tái chế giấy, nhựa, bìa cứng, thủy tinh, nhôm và các vật liệu khác.
- Lựa chọn thay thế tự nhiên: Sử dụng tất cả các chất tẩy rửa gia dụng tự nhiên, không độc hại bất cứ khi nào có thể. Các vật liệu như nước chanh, baking soda và giấm là các sản phẩm làm sạch tuyệt vời, không tốn kém và thân thiện với môi trường.
- Phải giữ gìn sạch sẽ nguồn nước và khu vực xung quanh, không đổ rác và xây nhà vệ sinh gần nguồn nước; phải thu gom rác, phân gia súc để ủ chôn hoặc đốt.
- Phân loại và thu gom rác thải vô cơ vào nơi quy định hoặc bán phế liệu để tái chế xử lý. Vỏ hộp và chai lọ để hóa chất bảo vệ thực vật phải chôn đúng nơi quy định. Thu gom và xử lý rác hữu cơ bằng cách quét dọn nhà cửa hàng ngày. Khi có động vật chết phải chôn sâu bằng vôi bột.
Như vậy việc bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ của tất cả mọi người, nó không chỉ đáp ứng các yêu cầu trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tài nguyên và môi trường trong tương lai lâu dài. Vì vậy ngay bây giờ, mỗi chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp để bảo vệ nguồn nước và giữ gìn vệ sinh môi trường.
3. Hạn chế việc phát sinh các chất thải sinh hoạt hàng ngày, thực hiện vệ sinh môi trường tại nơi làm việc và tại địa phương. Chương trình ‘Tháng nói không với nhựa dùng một lần”.
Đời sống con người càng cao thì mức độ hủy hoại tự nhiên ngày càng lớn, sinh vật cũng là nạn nhân của sự hủy hoại của con người trong đó có rác thải nhựa. Mỗi năm có hàng triệu tấn rác nhựa được thải ra ngoài các đại dương đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến đời sống tự nhiên cũng như sức khỏe của con người, sinh vật và tự nhiên. Nó là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi loại rác này không có khả năng phân hủy sinh học chúng không những làm chết nhiều vùng đất mà còn đầu độc cả đại dương của chúng ta, khiến ô nhiễm nhựa ở khắp mọi nơi thậm chí rác thải nhựa đã lấp kín ao hồ, sông suối. Khi bị đốt cháy, nhựa nilon tạo ra những chất rất độc hại đối với hệ hô hấp của con người, động vật và môi trường; khi bị chôn lấp thời gian phân hủy rác thải nhựa dài tới hàng trăm năm, rác thải nhựa phân hủy thành những hạt nhựa li ti ngấm vào đất, theo dòng chảy ra ngoài sông suối, đại dương những loài thủy hải sản ăn vào rồi ngấm vào trong cơ thể, khi con người ăn những loài thủy hải sản đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mỗi giây trung bình có 20.000 chai nhựa trên toàn thế giới đến tay người tiêu dùng. Mỗi năm có 9 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường trong những số ấy đã đang và sẽ đang vô tình giết chết hàng triệu sinh vật vô tội, số phận của trăm triệu sinh vật sống dựa vào đại dương sẽ đi về đâu nếu chúng ta không chung tay hành động.
Đứng trước thực trạng này, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của Bộ Tài nguyên và Môi trường mọi người hãy chung tay nói không với rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể như sau: không sử dụng ống hút bằng nhựa, dùng bình, lọ thủy tinh chứa nước...Với sự thay đổi này mỗi cá nhân chúng ta có thể tự chuẩn bị cho mình những chiếc lọ, những chiếc bình bằng thủy tinh an toàn, tiện lợi để thay thế ống hút bằng nhựa.
Hãy phân loại rác ngay tại gia đình, nhà trường, cơ quan.
Hãy phân loại rác thành rác hữu cơ và vô cơ trước khi mang xuống nơi thu gom.
Hãy thay thế hộp đựng thức ăn bằng nhựa sang thủy tinh...
Mỗi tập thể và cá nhân hãy hành động ngay hôm nay với những việc làm thiết thực. Hãy trở thành những công dân có trách nhiệm để cùng nhau bảo vệ môi trường, chung tay bảo vệ sức khỏe của con người và các sinh vật trong tự nhiên. Làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.