BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Thực hiện công văn số 627/UBND-KTN ngày 10 tháng 3 năm 2023 UBND thành phố Hà Nội về phòng chống thiên tai năm 2023, Trường Tiểu học Ngọc Lâm tổ chức tuyên truyền, giáo dục lồng ghép về Phòng chống thiên tai trong trường học nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng phòng chống thiên tai cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.
Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đã và đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có trong thời gian qua, đang là nỗi lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nước dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, động đất, sóng thần, mưa đá…. Ngoài ra, thiên tai có thể hiểu như là những điều đáng sợ ập đến với con người như: dịch bệnh, chiến tranh, cháy rừng….
Khi thiên tai xảy ra thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn thương tích đối với trẻ em như: đuối nước, cây ngã, bỏng, điện giật, cháy nổ….
Tùy theo vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của mỗi nước mà có những thiên tai khác nhau. Có thể kể một số thiên tai thường gặp ở nước ta như sau:
1. Bão: Là trạng thái khí quyển có nhiều biến động mang tính cực đoan. Một cơn bão hình thành từ vùng áp thấp nhiệt đới, rồi chuyển sang áp thấp nhiệt đới, tới bão nhiệt đới và đỉnh cao là siêu bão. Ở nước ta bão xuất hiện đi kèm với mưa lớn, gió mạnh, giông lốc, trung bình mỗi năm có từ 7 – 8 cơn bão có năm lên tới 11 – 12 cơn bão. Bão thường đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh duyên hải Bắc và Nam Trung Bộ, hứng chịu bão nhiều nhất là các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống người dân.
2. Mưa đá, giông, lốc, sấm sét: Những cơn giông ở nước ta có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm nên về mùa hè giông xảy ra thường xuyên hơn, thường vào buổi chiều trên các vùng núi hay sông hồ, vùng ven biển. Trong những tháng nóng ẩm, giông có thể xuất hiện nhiều và bất thường, lại hay kèm theo gió mạnh, sấm sét nên rất nguy hiểm cho tính mạng con người. Dấu hiệu của giông dễ nhận biết bằng mắt thường là khi trời bỗng tối sầm lại, mây đen vần vũ, không khí đột nhiên mát lạnh, gió thổi mạnh rồi bỗng dưng ngừng hẳn. Nếu có tia chớp lóe trên bầu trời thì dễ có hiện tượng sét đánh. Mưa đá thường xuất hiện trong cơn giông, khi bầu trời chuyển mây đen, trời lạnh đi và có các hạt đá rơi xuống. Lốc xoáy quy mô hẹp xảy ra rất nhanh nên khi có luồng gió xoáy tạo thành chuyển động thẳng từ dưới lên nghĩa là lốc xuất hiện và cũng thường xuất hiện trước cơn giông.
3. Lũ lụt: Hiện nay, vùng chịu lụt úng nghiêm trọng nhất là vùng châu thổ sông Hồng do diện mưa bão rộng, lũ lụt tập trung trong các hệ thống sông lớn, mặt đất thấp, xung quanh lại có đê sông, đê biển bao bọc. Mật độ xây dựng cao cũng làm cho mức độ ngập lụt nghiêm trọng hơn. Ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ do mưa lớn gây ra mà còn do triều cường; vì vậy, khi tiến hành tiêu nước chống ngập lụt cần tính đến làm các công trình thoát lũ và ngăn thủy triều. Ngập lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân ở hai đồng bằng trên. Còn tại Trung Bộ, nhiều vùng trũng ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng hạ lưu các sông lớn ở Nam Trung Bộ cũng bị ngập lụt mạnh vào các tháng 9, 10 do mưa bão lớn, nước biển dâng và lũ từ nguồn về.
Vậy khi thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan trên bạn phải làm gì?
- Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để phòng tránh. Lưu ý khi có dấu hiệu cơn giông như mây đen, không khí lạnh và gió mạnh thì tìm nơi trú ẩn hoặc ở trong nhà không nên ra ngoài đường.
- Chuẩn bị thuyền, phao, bè mảng, các vật nổi. Gia cố nhà cửa, làm lối thoát trên mái nhà. Cất giữ đồ đạc để phòng lũ.
- Bảo vệ nguồn nước, dự trữ nước uống, thực phẩm, thuốc men, các dụng cụ cần thiết ít nhất trong 7 ngày.
- Chủ động sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm như: bãi sông, bãi thấp, sườn đồi có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
- Nên trú ẩn vào những nơi chắc chắn, không trú ẩn ở những nơi như nhà để xe, gốc cây, trên tàu thuyền đang neo đậu.
- Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.
- Hạn chế sử dụng điện thoại trong khi có giông, sét. Trừ trường hợp rất cần thiết; tránh các chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước, vòi nước vì đó là các vật dễ bị sét đánh lan truyền.
- Ngắt các thiết bị điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn.
- Nếu đang đi ngoài trời thấy trời nổi giông gió thì cần tìm ngay nơi tránh trú an toàn. Không chạy cùng hướng với đường đi của cơn giông lốc.
- Khi có mưa đá cần dùng cặp hoặc các vật dụng cứng che đầu và tìm ngay nơi tránh trú tại những công trình kiên cố có mái che.
- Tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt,trạm biến áp, cột điện đường dây điện,… bởi vì chúng là những thứ thu hút sét.
- Nếu các em đang ở trên thuyền hoặc đang bơi, hay ở gần sông suối, ao hồ, kênh mương, bãi biển thì ngay lập tức vào bờ bì nước mưa là chất dẫn điện.
- Học sinh không đứng thành nhóm người gần nhau tránh sét đánh lan.
Ngoài ra để theo dõi kịp thời nắm bắt các thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai, tin tức phòng, chống thiên tai, công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai chúng ta có thể theo dõi qua một số ứng dụng phổ biến hiện nay như: App PCTT, App VRAIN cài đặt trên điện thoại; theo dõi các nhóm Facebook "Thông tin Phòng chống thiên tai" do Tổng cục Phòng, chống thiên tai lập ...
Hi vọng với những kiến thức cơ bản về phòng tránh thiên tai trên đây sẽ giúp các em học sinh và gia đình chủ động phòng tránh những tai nạn trong mùa mưa bão tới đây. Chúc mọi người, mọi nhà luôn an toàn trong mùa mưa bão năm nay!