Ngày Dân số Việt Nam ra đời xuất phát từ Quyết định 326/TTg, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Và ngày 19/5/1997, tại Quyết định số 326, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 26/12 hằng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.
Kể từ ngày ban hành văn bản đầu tiên về công tác dân số và kỷ niệm 20 năm Ngày Dân số Việt Nam 26/12, năm 2017 chúng ta tiến hành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề: “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số”.
Mặc dù chất lượng dân số đã được cải thiện đáng kể, song chất lượng dân số nước ta vẫn còn ở mức thấp, chỉ sổ HDI xếp thứ 105/177, tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ vẫn còn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số (chiếm khoảng 1,5% dân số), trong đó số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm từ 1,5-3% và có xu hướng gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu, và tỉnh ta cũng không nằm ngoài thực trạng này.
Chính vì vậy, định hướng chương trình của Việt Nam là thử nghiệm và nhanh chóng mở rộng những can thiệp về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hoá, di truyền, nội tiết ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể lực và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.
Thực hiện chủ trương trên nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, từ đầu những năm 2000, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây, nay là Bộ Y tế đã triển khai nghiên cứu và bước đầu thí điểm việc sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ - TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tổng kết các hoạt động thí điểm, đã xây dựng hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh thành đề án và triển khai ở cấp quốc gia.
Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được triển khai từ năm 2007 tại 20 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh ta do Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ - TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật. qua đó nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển đổi hành vi về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời thiết lập mạng lưới rộng khắp để triển khai các hoạt động tư vấn và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu cao nhất của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Việc triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh là cách tiếp cận đúng hướng, thiết thực đem lại các kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng dân số nước ta nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Đặc biệt đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ khi sinh bị dị dạng, dị tật và tỷ lệ trẻ được can thiệp điều trị sớm các bệnh, tật bẩm sinh. Chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giá trị về tinh thần cho các gia đình và xã hội.
Mặt khác Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức bởi sự biến đổi cơ cấu dân số chuyển từ giai đoạn “cơ cấu dân số trẻ” sang “già hoá dân số” và bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Số người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 49 tuổi gấp đôi số người phụ thuộc dưới 15 và trên 60 tuổi. Sự chuyển đổi này tạo ra những cơ hội thuận lợi lớn, đồng thời cũng trở thành những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 63%, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng nhanh sẽ đạt cực đại vào năm 2021 – 2025 và sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh một cách bất thường (năm 1997 số trẻ sơ sinh sinh ra trai 105/100 trẻ sơ sinh gái, đến năm 2021 tăng lên 111,2 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái). Nếu không có sự điều chỉnh quyết liệt ngay từ bây giờ thì trong vài thập kỷ tới, tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở nước ta sẽ xảy ra như một số quốc gia trong khu vực, dẫn đến những hệ luỵ cả về an ninh và xã hội.
Hưởng ứng các hoạt động nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 là dịp để chúng ta tăng cường cam kết của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường phối hợp các ban ngành, đoàn thể và huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ từ năm 1961 đến nay, đó là: ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống.